THIẾT KẾ CẦU DA VINCI
Hình ảnh cây cầu mà các bạn đang thấy ở trên là một trong những phát minh của nhà bác học người Ý Leonardo da Vinci (1452-1519) - một cây cầu mà theo bản thiết kế, có thể được xây dựng cực kỳ đơn giản, không cần đinh, dây thừng hay vữa, mà có thể hoàn toàn “tự đứng vững” nhờ các lực ép giữa các thanh và lực hấp dẫn.
Chắc rất nhiều bạn đều biết đến Leonardo da Vinci - họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và kỹ sư quân sự thiên tài người Ý ở thời kỳ Phục hưng. Nhưng có thể còn ít người biết rằng ông đồng thời cũng là một nhà phát minh kiệt xuất, với những ý tưởng vượt trước thời đại như máy bay, dù, vũ khí và cỗ máy chiến tranh, các phương tiện di chuyển, ...
Vào năm 1502, Sultan Bayezid Đệ nhị đưa ra yêu cầu tìm kiếm bản thiết kế cho một cây cầu khổng lồ đặt ở khu vực Golden Horn, nối liền Istanbul với thành phố láng giềng Galata. Leonardo da Vinci, lúc ấy là một nghệ sĩ và một nhà phát minh có tiếng tăm, đã trình lên vị Sultan này một bản phác thảo rất mới lạ, kèm theo đó là phần mô tả thiết kế và cấu trúc của cây cầu.
Bản phác thảo của Leonardo da Vinci
Đáng buồn là lúc đó vị Sultan không hài lòng với thiết kế của Leonardo. Nhưng 500 năm sau khi Leonardo da Vinci mất, bản thiết kế này đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học ở Đại học MIT. Họ đã tiến hành nghiên cứu chi tiết bản vẽ của Leonardo với những vật liệu sẵn có và điều kiện xây dựng lúc bấy giờ. Kết quả cho thấy thiết kế cấu trúc cầu của Leonardo da Vinci thực sự bền vững, nhờ sự kết hợp hài hòa các yếu tố về tính ổn định ban đầu, cơ chế về động lực học để phân đều các lực tác động, và các điều kiện về địa kỹ thuật khác.
Đây quả thực là cả một công trình kiến trúc nghệ thuật vĩ đại. Thiết kế này là một minh chứng tuyệt vời cho mối quan hệ gắn kết giữa kỹ thuật và nghệ thuật, về sức mạnh của mô hình hóa của toán học, thông qua các tính toán và mô phỏng!
Đơn vị tổ chức